Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
74393

Nghị quyết số 01-NQ/TĐTN của BCH Tỉnh đoàn Thanh Hóa

Đăng lúc: 00:00:00 22/08/2018 (GMT+7)

BTV Huyện đoàn giới thiệu toàn văn Nghị quyết số 01-NQ/TĐTN, ngày 6/8/2018 của BCH Tỉnh đoàn Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2017 - 2022

 

    BCH ĐOÀN TỈNH THANH HÓA

***

Số: 01 -NQ/TĐTN

ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH

 
 
 


Thanh hóa, ngày 06 tháng 8 năm 2018

                            

         

NGHỊ QUYẾT

BAN CHẤP HÀNH TỈNH ĐOÀN KHÓA XVIII

về đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn xã, phường, thị trấn

giai đoạn 2018 - 2022

-------------------

 

I. TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN

Trong những năm qua được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đoàn, các cấp bộ Đoàn từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều giải pháp chỉ đạo, thực hiện củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng cơ sở đoàn ở xã, phường, thị trấn; tạo sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ tổ chức cơ sở đoàn vững mạnh và khá tăng đáng kể, số cơ sở đoàn yếu kém giảm. Công tác quản lý đoàn viên từng bước được chấn chỉnh, đội ngũ cán bộ đoàn cơ bản được chuẩn hóa, nâng cao về năng lực, trình độ chuyên môn và lý luận chính trị.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, mô hình chi đoàn ở thôn, bản, khu phố còn nhiều bất cập; chất lượng tổ chức cơ sở đoàn chưa đồng đều, nhất là tổ chức cơ sở đoàn trên địa bàn dân cư hoạt động chưa hiệu quả; nội dung, hình thức sinh hoạt và hoạt động của tổ chức đoàn từ thôn đến xã có lúc, có nơi hiệu quả thấp, thiếu tính hấp dẫn, chưa thu hút được đông đảo thanh niên tham gia vào tổ chức đoàn, hội; chưa tạo sức lan tỏa trong cộng đồng và xã hội. Một bộ phận cán bộ đoàn cấp xã và chi đoàn còn hạn chế về kỹ năng, nghiệp vụ, đặc biệt là đội ngũ bí thư đoàn thường xuyên biến động nên việc nắm bắt tình hình tư tưởng đoàn viên thanh niên có thời điểm chưa kịp thời.

Những hạn chế, yếu kém trên do nhiều nguyên nhân, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường đến tư tưởng và nhận thức của thanh niên; số lượng lớn thanh niên đi làm ăn xa gây khó khăn cho công tác tập hợp và quản lý đoàn viên; môi trường xã hội, điều kiện để thanh niên học tập, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp còn nhiều khó khăn, nhất là thanh niên khu vực miền núi, thanh niên trong các doanh nghiệp; một số đơn vị, cấp ủy chính quyền chưa dành sự quan tâm thỏa đáng đến công tác đoàn và phong trào thanh niên của địa phương. Nguyên nhân chủ quan là do một số xã, phường, thị trấn tổ chức đoàn chưa chủ động tham mưu, củng cố, kiện toàn tổ chức; chậm đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt; việc lựa chọn hoạt động của đoàn chưa phù hợp với nhu cầu nguyện vọng, của thanh niên trong giai đoạn hiện nay; còn bộ phận cán bộ chưa được “chuẩn hóa”, cán bộ chưa thực sự là thủ lĩnh thanh niên.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn xã, phường, thị trấn, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng hoạt động của cơ sở đoàn, từng bước xây dựng mô hình phù hợp; tăng cường đoàn kết tập hợp thanh niên; xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở và bí thư chi đoàn có uy tín, năng lực thực tiễn, bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm với công tác Đoàn, Hội, Đội; có kỹ năng, nghiệp vụ, khả năng vận động thanh niên, góp phần phát triển công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi ở địa bàn dân cư, tạo môi trường để tập hợp, giáo dục, bồi dưỡng, phát huy thanh niên, xung kích xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

2. Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2022:

2.1. 100% Bí thư, Phó bí thư đoàn xã, phường, thị trấn có trình độ Đại học; bầu Bí thư lần đầu có bằng Đại học chính quy và bằng trung cấp lý luận chính trị trở lên; bầu Phó bí thư lần đầu có bằng Đại học chính quy trở lên.

2.2.  70% Bí thư chi đoàn thôn, làng, bản, khu phố trở lên được kiêm nhiệm các chức danh có phụ cấp.

2.3.  100% Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn khi đề bạt, bổ nhiệm được bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ Đoàn, Hội, Đội theo khung chương trình 260 tiết của Ban Bí thư Trung ương Đoàn.

2.4.  100% Đoàn xã, phường, thị trấn có khu nhà trọ, khu lưu trú cho thanh niên công nhân thành lập được các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm để tập hợp thanh niên công nhân vào tổ chức Đoàn, Hội.

2.5.  100% chi đoàn hoạt động kém hiệu quả được sắp xếp lại, đến năm 2022 phấn đấu có 70 % chi đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

2.6.  100% Đoàn xã, phường, thị trấn triển khai, xây dựng Đoàn cơ sở “3 chủ động”.

2.7.  Kết nạp trên 200.000 đoàn viên mới, nâng tỷ lệ tập hợp đoàn kết thanh niên đạt trên 72%.

2.8  100% Đoàn xã, phường, thị trấn hằng năm tham mưu tổ chức ít nhất 01 diễn đàn đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với đoàn viên thanh niên địa phương.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Đổi mới công tác cán bộ Đoàn xã, phường, thị trấn và Bí thư chi đoàn

- Chủ động phát hiện, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt đoàn xã, phường, thị trấn, bí thư chi đoàn từ sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng; bộ đội xuất ngũ; thanh niên làm kinh tế giỏi.

- Nâng cao chất lượng công tác cán bộ từ khâu tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ, tạo nguồn và bổ sung cán bộ kịp thời khi có sự biến động. Trong công tác tạo nguồn ưu tiên nhân sự có khả năng, nhiệt huyết, phù hợp với công tác Đoàn, Hội, Đội.

- Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ thanh thiếu nhi mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đoàn cho đội ngũ cán bộ đoàn xã, phường, thị trấn và đội ngũ bí thư chi đoàn. Các huyện, thị, thành đoàn chủ động mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ đoàn xã, phường, thị trấn và bí thư chi đoàn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị; cung cấp sách nghiệp vụ, sổ tay nghiệp vụ công tác bí thư đoàn xã, phường, thị trấn, bí thư chi đoàn.

- Thực hiện đánh giá bí thư đoàn xã, phường, thị trấn 06 tháng/1 lần; 03 tháng/lần đối với bí thư chi đoàn.

- Tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền, mặt trận tổ quốc các đoàn thể thực hiện chính sách đối với bí thư, phó bí thư đoàn xã, phường, thị trấn và bí thư chi đoàn. Tập trung giới thiệu cho cấp ủy, chính quyền các đồng chí bí thư chi đoàn đủ năng lực, trách nhiệm để giao kiêm nhiệm các chức danh có phụ cấp tại thôn, bản, khu phố. Ban Thường vụ các huyện, thị, thành đoàn tham mưu, phối hợp với ban tổ chức của cấp ủy cùng cấp rà soát cán bộ định kì hàng năm, đề xuất với cấp uỷ đảng để bố trí công tác khác phù hợp đối với các đồng chí bí thư đoàn xã, phường, thị trấn nhất là những đồng chí quá tuổi theo quy chế cán bộ đoàn.

2. Xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn xã, phường, thị trấn vững mạnh nhằm tập hợp đông đảo đoàn viên thanh niên

- Đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt chi đoàn. Bên cạnh việc duy trì sinh hoạt định kỳ theo Điều lệ Đoàn, ở những nơi có điều kiện có thể thành lập các nhóm trên zalo, facebook để thường xuyên trao đổi, thảo luận, sinh hoạt theo chủ đề; tăng cường giao lưu giữa các chi đoàn trên cùng địa bàn; thành lập các liên chi đoàn trong trường học.

- Tập trung rà soát, sắp xếp mô hình chi đoàn theo hướng sáp nhập những chi đoàn có số đoàn viên ít (dưới 5 đoàn viên) thành các liên chi đoàn. Thực hiện việc kiện toàn, sáp nhập các chi đoàn thôn, tổ dân phố theo tinh thần các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và Chỉ thị số 12 ngày 25/10/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “lãnh đạo thực hiện việc sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh” gắn với việc tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp xây dựng chi đoàn mạnh trên cả 3 phương diện: mạnh về tư tưởng chính trị; mạnh về phong trào, hoạt động và mạnh về tổ chức.

- Đẩy mạnh việc thành lập các mô hình câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm tại các khu nhà trọ, khu vực đông đoàn viên thanh niên nhằm tạo sân chơi bổ ích, thu hút đoàn viên thanh niên trên địa bàn tham gia.

- Ban Thường vụ Đoàn cấp huyện chủ động xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy định về “Chế độ đi công tác cơ sở của cán bộ đoàn chuyên trách cấp huyện”.

- Tập trung triển khai có hiệu quả Đoàn cơ sở “3 chủ động”: Chủ động thực hiện quản lý đoàn viên và chăm lo, nắm bắt tình hình thanh niên ở địa phương, đơn vị; Chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác; Chủ động tham mưu với cấp ủy, phối hợp với các tổ chức liên quan.

- Tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh thiếu nhi khối trường học, cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang tham gia sinh hoạt tại địa bàn nơi cư trú.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai các hoạt động  đoàn tại cơ sở, hướng tới thực hiện việc quản lý đoàn viên một cách khoa học từ tỉnh đến cơ sở thông qua phần mềm “Quản lý đoàn viên”.

- Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, phân loại đoàn viên hàng năm; Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sửa đổi, ban hành hướng dẫn mới về đánh giá, phân loại tổ chức Đoàn và đoàn viên phù hợp với thực tiễn hiện nay.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong thực hiện các nhiệm vụ của công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tại xã, phường, thị trấn. Hằng năm, đoàn xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội theo quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị.

3. Tổ chức các phong trào, chương trình hoạt động đáp ứng nhu cầu cụ thể của thanh thiếu nhi, phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đơn vị

- Thông qua sinh hoạt chi đoàn, các hoạt động đoàn, các trang mạng xã hội để nắm bắt tình hình tư tưởng, nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên thanh niên địa phương. Trong đó tập trung tăng cường các hoạt động mang lại lợi ích tinh thần (văn nghệ, thể dục thể thao…), lợi ích vật chất (vay vốn phát triển kinh tế, khởi nghiệp, lập nghiệp, khen thưởng điển hình tiên tiến…); lợi ích chính trị (kết nạp Đoàn, kết nạp Đảng…) cho thanh thiếu nhi.

- Tổ chức các hoạt động theo hướng linh hoạt về thời gian, địa điểm, hình thức; tăng cường sự phối hợp với Mặt trận tổ quốc các đoàn thể nhằm hỗ trợ cho hoạt động Đoàn, Hội tại cơ sở.

- Đẩy mạnh việc xã hội hóa các hoạt động của đoàn nhằm tạo nguồn lực để tổ chức hiệu quả các chương trình, phong trào của đoàn.

- Tổ chức phong trào thi đua giữa các chi đoàn địa bàn dân cư với những chỉ tiêu cụ thể. Tăng cường phối hợp hoạt động giữa tổ chức đoàn trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang với tổ chức đoàn trên địa bàn dân cư. Tích cực thực hiện việc giao lưu, liên kết hoạt động giữa các chi đoàn của các xã trong cụm trên cùng địa bàn huyện với nhau.

- Hằng năm vào dịp Tháng thanh niên, đoàn xã, phường, thị trấn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức trao đổi, đối thoại với cán bộ, đoàn viên thanh niên của địa phương.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tỉnh đoàn

- Các ban Tỉnh đoàn căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị phụ trách xây dựng kế hoạch, thực hiện hiệu quả nội dung của Nghị quyết.

 - Ban Tuyên giáo tham mưu kế hoạch học tập, tuyên truyền triển khai Nghị quyết; xây dựng phương án tuyên truyền trên tờ tin công tác đoàn, chuyên mục truyền hình tuổi trẻ Lam Sơn, website tuoitrethanhhoa.vn; trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo ....

- Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ thanh thiếu nhi xây dựng kế hoạch đổi mới nội dung, hình thức bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ Đoàn chủ chốt các cấp theo hướng phù hợp, thiết thực.

- Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên tăng cường phối hợp xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho đoàn viên, quan tâm đội ngũ bí thư chi đoàn địa bàn dân cư.

- Giao Ban Tổ chức – Kiểm tra tham mưu hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết. Là bộ phận thường trực của Nghị quyết, tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh đoàn trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy sửa đổi quy định 1757 và tạo cơ chế chính sách hỗ trợ cán bộ đoàn xã, phường, thị trấn, bí thư chi đoàn; tham mưu đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết gắn với việc sơ kết, tổng kết công tác Đoàn toàn tỉnh; phối hợp xây dựng phần mềm quản lý đoàn viên thống nhất trong toàn Tỉnh; phối hợp với các ban chuyên môn, Ban Thường vụ các huyện, thị, thành đoàn trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết, định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh đoàn.

- Ủy ban Kiểm tra Tỉnh đoàn định kỳ có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết và báo cáo quá trình thực hiện Nghị quyết tại các đơn vị, tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh đoàn có biện pháp chỉ đạo kịp thời.

2. Các huyện, thị, thành đoàn và Đoàn trực thuộc

- Trên cơ sở nội dung Nghị quyết của Ban Chấp hành Tỉnh đoàn và các hướng dẫn, kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, các huyện, thị, thành đoàn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện để thực hiện Nghị quyết; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động triển khai Nghị quyết tới các cơ sở Đoàn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Định kỳ 6 tháng, 01 năm gửi báo cáo về Ban Thường vụ Tỉnh đoàn qua Ban Tổ chức – Kiểm tra để tổng hợp.

Đây là Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, Ban Chấp hành Tỉnh đoàn yêu cầu các cấp bộ đoàn trong tỉnh nghiêm túc tổ chức triển khai, thực hiện. Nghị quyết này được phổ biến, quán triệt đến các chi đoàn thôn, làng, bản, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh.

 

Nơi nhận:  

- Thường trực Tỉnh ủy(b/c);

- Ban Bí thư TW Đoàn (b/c);

- Ban TC, KT, TNXP TW Đoàn (b/c);

- Ban DV, TC, TG, VP Tỉnh ủy (b/c);

- MTTQ, các đoàn thể (p/h);

- Các đ/c Ủy viên BCH Tỉnh đoàn; 

- BTV Đoàn cấp huyện (để t/h);                    

- Các Ban, đơn vị trực thuộc TĐ;                                                      

- Lưu TCKT, VP.                                          

                                       

TM. BAN CHẤP HÀNH TỈNH ĐOÀN

BÍ THƯ

 

 

Đã ký

 

 

Lê Văn Trung

 

                                                           

0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)