Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
74393

Lịch sử Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh huyện Quan Hóa

Đăng lúc: 00:00:00 27/07/2018 (GMT+7)

Lịch sử Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Phong trào Thanh niên Quan Hóa là một bộ phận quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng, lịch sử Đảng bộ huyện Quan Hóa

 

Lịch sử Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh huyện Quan Hóa

Lịch sử Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Phong trào Thanh niên Quan Hóa là một bộ phận quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng, lịch sử Đảng bộ huyện Quan Hóa

Quan Hoá là một huyện vùng cao biên giới, cách thành phố Thanh Hoá 125 km về phía tây. Trước khi chia huyện, Quan Hóa có diện tích tự nhiên là 2.791 km2. Phía tây có 162 km đường biên tiếp giáp nước bạn Lào; phía bắc giáp huyện Mộc Châu (Sơn La) và huyện Mai Châu (Hoà Bình); phía đông giáp huyện Bá Thước và phía nam giáp huyện Lang Chánh (Thanh Hoá). Đây là một vùng đại ngàn, núi rừng điệp trùng, hùng vĩ, có đỉnh Pha Pu Luông cao nhất tỉnh 1.587m và nhiều dãy núi khác có độ cao từ (800- 1.000m) như Khum Luông, Ma Nha, Pù Hu, Pha Ú Hò, với rất nhiều hang động đẹp như Hang Phi, Hang Na, Hang Bà Bằng....vv. Có hệ thống sông suối dày đặc, với 3 sông chính là sông Mã, sông Luồng và sông Lò, tạo nên cảnh non xanh nước biếc, sơn thuỷ hữu tình, và những tuyến giao thông quan trọng để vận chuyển lâm sản, hàng hoá đến các địa phương trong và ngoài huyện. Đặc biệt trên dọc tuyến sông Mã chảy qua địa phận Quan Hoá, nhiều điểm có thể xây dựng nhà máy thuỷ điện công suất lớn.

Trên địa bàn huyện có 7 dân tộc anh em cùng chung sống hoà thuận, đoàn kết trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam (trước khi chia tách huyện) đó là: Thái, Mường, Mông, Khơ Mú, Dao, Kinh, Hoa. Qua các cuộc khảo cổ, người ta đã phát hiện trong hang động, lòng đất Quan Hoá những công cụ sản xuất bằng đá, bằng đồng, những vết tích của cư dân thời nguyên thuỷ; tìm thấy những chiếc trống đồng cổ của nền văn hoá Đông Sơn rực rỡ cách đây gần 4 ngàn năm ...vv, điều đó cho thấy những cư dân đầu tiên của Quan Hoá xuất hiện từ rất sớm.

          Lịch sử Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Phong trào Thanh niên Quan Hóa là một bộ phận quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng, lịch sử Đảng bộ huyện Quan Hóa. Trải qua những chặng đường đấu tranh giành chính quyền, đánh Pháp, đuổi Mỹ, bảo vệ biên giới Tổ quốc, xây dựng quê hương, hàng ngàn thanh niên Quan Hóa đã chiến đấu trên khắp các chiến trường, khắp các vùng miền của đất nước, trên khắp các lĩnh vực để cống hiến tài năng và sức trẻ của mình. Trong số đó nhiều người con đã hi sinh, “ Sống mãi tuổi hai mươi’ vì độc lập, tự do và phát triển của quê hương đất nước. Nhiều người đã trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động. Những mất mát, hy sinh và cống hiến của tuổi trẻ nơi đây đã làm dày thêm truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, là thước đo của tinh thần và nghị lực cách mạng của các thế hệ người Quan Hóa, góp phần làm cho mảnh đất và con người Quan Hóa rạng danh cùng đất nước.

          Từ lớp thanh niên đầu tiên tham gia “ Hội thanh niên Ái quốc” tới Đoàn Thanh niên cứu quốc, Đoàn Thanh niên lao động, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, phong trào thanh niên Quan Hóa từng bước trưởng thành và ngày càng lớn mạnh. Hàng chục ngàn thanh niên Quan Hóa đã cần cù lao động, học tập, chiến đấu anh dũng, kiên cường trên khắp các chiến trường, vùng, miền, các  lĩnh vực. Hàng ngàn người đã anh dũng hi sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, nhiều người trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động (Anh hùng Phạm Bá Hoa (1966) và Anh hùng Hà Văn Dân (1973)).

          Trải qua suốt chiều dài lịch sử, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Quan Hóa đã có nhiều lần đổi tên, chia tách, cụ thể:

Sau bế mạc hội nghị hiệp thương thành lập Uỷ ban cách mạng lâm thời huyện ( 03/10/1945 tại sân toà Đại lý ,xã Hồi Xuân) tổ chức Đoàn TN cấp huyện được thành lập, mang tên Đoàn TN cứu quốc - là tổ chức của thanh niên cấp huyện đầu tiên của Quan Hóa. Với các hoạt động tập hợp thanh niên tham gia kháng chiến cứu quốc.

2. Từ 1950 – 1959: Sau khi Đảng bộ huyện được thành lập (28/03/1950), Đoàn TN được sự chỉ đạo trực tiếp của BCH Đảng bộ huyện. Tham gia tích cực các hoạt động kháng chiến cứu quốc.

          3. Từ 1959 – 197: Đoàn TN huyện (từ 1956 – 1970: Đoàn TN Lao động Việt Nam; từ 1970 – 1976: Đoàn TN Lao động Hồ Chí Minh) tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ xây dựng CNXH, Thanh niên với phong trào “Ba sẵn sàng” thực hiện cuộc vận động “Đoàn kết sản xuất” do Liên khu ủy khu IV phát động; đồng thời tham gia đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng, đấu tranh chống Mĩ phá hoại miền Bắc.

          Giai đoạn này, Đồng chí Hà Văn Cao (Phú Nghiêm) được phân công giữ chức vụ Trưởng ban cán sự thanh niên huyện (8/6/1959 - 27/12/1960), Bí thư Huyện đoàn TN LĐ & CNV cán bộ cơ quan Dân đảng (27/12/1960 – 21/02/1962).

          Sau đó, các đồng chí: Lương Chí Ên (Hồi Xuân), Lương Văn Pối (Nam Động), Lương Văn Hiệu (Phú Thanh), Ngân Xuân Trang (Nam Tiến) lần lượt giữ chức vụ Bí thư Huyện đoàn TN.

          4. Từ 1974 – 1986: Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, Đoàn TN huyện (đến 11/1976 đổi tên là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH; tham gia hàng ngàn ngày công đào đắp đường giao thông, kênh mương, công trình thủy lợi, tăng gia sản xuất…với tinh thần “Mỗi người là một lao động tiên tiến, mỗi đảng viên, đoàn viên là một chiến sĩ tiên phong, mỗi đơn vị, mỗi xã là một công trường”; là lực lượng chính trong công cuộc trồng luồng trên địa bàn huyện.

          Giai đoạn này các đồng chí:

- 11/1974 – 10/1978: đ/c Hà Văn Nguyến (Phú lệ) làm Bí thư Huyện đoàn.

- 1978 – 1983: đ/c Hà Văn Duyệt (Phú Nghiêm) làm Bí thư Huyện đoàn.

- 1983 – 1986: đ/c Hà Văn Thương (Nam Xuân) làm Bí thư Huyện đoàn.

5. Từ 1986 – 1996: Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy Quan Hóa. Đoàn TN huyện có nhiều đóng góp tích cực trong việc phát triển KT-XH nhất là sản xuất nông - lâm nghiệp, ….

Giai đoạn này trải qua 4 kỳ Đại hội (13, 14, 15, 16) các đồng chí:

- 1986 – 1989:  Lương Văn Bường (Nam Động) làm Bí thư Huyện đoàn.

- 1989 – 1992:  Lương Văn Bường (Nam Động) làm Bí thư Huyện đoàn.

- 1992 - 1996 Lương Văn Mơng ( Phú Nghiêm) làm Bí thư Huyện đoàn.

6. Từ 1996 – Nay: Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, Đoàn TN huyện tiếp tục tham gia vào công cuộc đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới trên quê hương.

Ngày 18/11/1996, Chính Phủ ban hành nghị định số 72/CP điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Quan Hoá. Theo đó huyện Quan Hoá, được chia tách để thành lập thêm 2 huyện mới là Quan Sơn và Mường Lát. Huyện Quan Hoá còn lại 18 xã, thị trấn, với diện tích tự nhiên 104.352 ha; dân số 40.905 người, gồm 5 dân tộc: Thái, Mường, Kinh, Hoa, Mông.

Ngày 26/12/1996, Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện, tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt toàn huyện, đồng chí Phạm Văn Tích- Uỷ viên ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ, thay mặt lãnh đạo tỉnh, trực tiếp công bố Nghị định số 72 của Chính Phủ và các quyết định của Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh về công tác tổ chức, cán bộ; tách hoạt động của các huyện theo địa giới hành chính mới, kể từ ngày 01/01/1997.

Giai đoạn này trải qua 5 kỳ Đại hội (17, 18, 19, 20, 21) các đồng chí:

- 8/1996 – 2000: đ/c Lữ Quốc Nhượng (Hồi Xuân) làm Bí thư Huyện đoàn.

- 01/2001 – 02/2006: đ/c Lữ Ngọc Quý (Hồi Xuân) làm Bí thư Huyện đoàn.

- 6/2006 – 10/2010: đ/c Hà Đức Liệu (Phú Nghiêm) Làm Bí thư Huyện đoàn.

- 10/2010 – 7/2012: đ/c Hà Văn Tụy (Phú Nghiêm) làm Bí thư Huyện đoàn.

- 7/2012 – 10/2015: đ/c Vi Thị Huệ (Hồi Xuân) làm Bí thư Huyện đoàn.

- 10/2015 – 9/2016: đ/c Nguyễn Văn Trung (Thạch Hà – Hà Tĩnh) làm Bí thư Huyện đoàn.

- 9/2016 – Nay: đ/c Lê Hữu Quyết (Hoằng Trạch – Hoằng Hóa) làm Bí thư Huyện đoàn.

Hiện nay, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Quan Hóa gồm 37 đầu mối cơ sở Đoàn, trong đó: 122 chi đoàn thuộc Đoàn xã, thị trấn; 19 Đoàn và Chi đoàn trực thuộc Huyện đoàn. Ngoài ra, Huyện đoàn Quan Hóa còn trực tiếp quản lý 35 liên Đội các trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn.

Trên địa bàn huyện Quan Hóa hiện có gần 9.000 thanh niên chiếm tỷ lệ 19,1% dân số.Trong đó, có hơn 1.500 Thanh niên thường xuyên đi làm ăn xa thời gian trên 6 tháng, tỷ lệ tập hợp đoàn kết thanh niên đạt 69.1%.

Qua 21 nhiệm kỳ Đại hội, cơ cấu tổ chức của Huyện đoàn Quan Hóa khóa 21, nhiệm kỳ 2017 - 2022 gồm 27 đồng chí trong Ban Chấp hành và 9 đồng chí trong Ban Thường vụ. Lãnh đạo huyện đoàn Quan Hóa đã chỉ đạo công tác hoạt động Đoàn- Hội- Đội trên địa bàn huyện đạt nhiều thành tích cao với nhiều các cuộc vận động như: “Thanh niên lập thân, lập nghiệp và lao động sáng tạo”,”Tuổi trẻ Quan Hóa học tập và làm theo lời Bác”,” Thanh niên Quan Hóa sống đẹp, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, “Tuổi trẻ Quan Hóa chung tay xây dựng NTM”,  “ Thanh niên với pháp luật và cuộc sống”,’ Thanh niên với bảo vệ môi trường”…; các cuộc thi “ Sáng tạo trẻ”,”Học vì ngày mai lập nghiệp”,“ Đoàn với Thanh niên- Thanh niên với Đoàn”,” Thanh Hóa với chiến thắng Điện Biên Phủ, phát huy truyền thống Điện Biên Phủ xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu”…, mô hình “ giúp bạn đến trường” là mô hình được các em Đội viên phát động và luôn được giữ gìn và phát huy.

Với tinh thần và nhiệt huyết của tuổi trẻ, thanh niên Quan Hóa đã và đang phát huy cao độ tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, hăng say lao động, miệt mài học tập, luôn đi đầu trong các phong trào cách mạng của địa phương, góp phần quan trọng cùng Đảng bộ và nhân dân huyện nhà xây dựng Quan Hóa thoát nghèo, hoàn thành công cuộc xây dựng NTM, sớm trở thành huyện khá của tỉnh. 

Vùng đất Quan Hóa giàu tiềm năng, tích hợp và bảo tồn được những giá trị văn hóa cao đẹp, nhất là các giá trị văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Thái, Mường, Mông, Kinh, Hoa đang chuyển mình trong công cuộc đổi mới. Tuổi trẻ huyện Quan Hóa với truyền thống vẻ vang, nhiệt tình cách mạng, có đủ tinh thần và khả năng để đóng góp một phần quan trọng, đồng hành cùng Đảng bộ và nhân dân huyện nhà thực hiện thành công đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo.